Bối cảnh Cuộc nổi loạn của Ninh vương

Cao tổ phụ của Chu Thần Hào là Ninh Hiến vương Chu Quyền, Hoàng tử thứ 17 của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, vua khai quốc nhà Minh. Trong Sự kiện Tĩnh Nan, Chu Quyền là một trong số các Phiên vương có thực lực mạnh nhất. Khi đó ông bị tứ huynh là Yên vương Chu Đệ bức hiếp phải theo mình chống lại Minh Huệ Đế. Chu Đệ từng hứa khi đoạt được thiên hạ thì hai người sẽ cùng hưởng phú quý. Tuy nhiên sau khi lên ngôi và trở thành Hoàng đế Vĩnh Lạc, Chu Đệ đã nuốt lời hứa, đoạt đi binh quyền của Ninh vương. Đất phong của Chu Quyền là Đại Ninh là nơi hiểm yếu, nên từng muốn được đóng ở đất Tô, Hàng nhưng Vĩnh Lạc ra sức cự tuyệt, rồi đem ông ta dời đến đất Nam Xương, Giang Tây[2]. Sau này Ninh vương còn bị người ta vu hãm là dùng tà thuật, nhục mạ Hoàng đế... nhiều lần bị trách phạt thậm chí giam cầm và tước binh quyền, thế lực của Ninh vương suy yếu[3]. Dòng dõi Ninh vương từ đó ngầm sinh oán hận đối với dòng dõi Hoàng thất.

Năm Hoằng Trị thứ 12 (1499), Chu Thần Hào kế thừa Vương vị từ phụ thân là Chu Cận Quân, có đám phương sĩ nói nịnh rằng Thần Hào có thiên mệnh, mà đất Nam Xương phong thủy tốt lành, phía đông nam thành có khí thiên tử[4]. Vào năm 1505, Minh Hiếu Tông Hoằng Trị Đế băng hà, Thái tử Chu Hậu Chiếu kế vị ngai vàng, tức Hoàng đế Minh Vũ Tông Chính Đức Đế[5]. Tân Hoàng đế còn ít tuổi mà đã ăn chơi sa đọa, lại mắc bệnh không thể có con. Thần Hào do đó càng câu kết tả hữu, ngầm nuôi chí khác. Bọn thân tín bên cạnh Hoàng đế được Thần Hào mua chuộc, nhiều lần nói tốt cho ông ta trước mặt Hoàng đế[3].

Năm 1507, Ninh vương hối lộ cho viên thái giám Lưu Cẩn đang nắm quyền trong triều, ý đồ khôi phục binh mã hộ vệ cho Ninh phiên[4]. Mặc cho sự phản đối từ bộ Binh, Lưu Cẩn vẫn giả truyền thánh ý, chấp nhận thỉnh cầu của Thần Hào. Sau này Lưu Cẩn bị giết, hộ vệ lại bị giải giáp. Thần Hào bèn chuyển sang câu kết với những sủng thần mới của Hoàng đế là Tiền Ninh, Tang Hiền, và Thượng thư bộ Binh nhiệm kì mới là Lục Hoàn[6]... muốn khôi phục được số hộ vệ. Đại học sĩ Phí Hoành ra sức can ngăn, nhưng triều đình không theo. Thần Hào sau khi có quân đội, thì giết Đô chỉ huy Đái Tuyên, đuổi Bố chánh sứ Trịnh Nhạc, Ngự sử Phạm Lộ, giam tri phủ Trịnh Thổ Hiến[7]. Lại chiêu mộ thêm binh sĩ từ những sơn tặc, tội phạm, đoạt tài sản của người dân, cướp con gái nhà lành, tự tiện bắt bớ quan lại và bá tánh vô tội,... quan Hữu tư ở triều đình biết việc mà không dám hỏi[3][8]. Ninh vương lại cùng với thủ hạ Lý Sĩ Thực, Lưu Dưỡng Chánh, Vương Xuân, Lưu Cát, Vạn Duệ cùng nhau mật mưu khởi binh. Mùa xuân năm 1516, Thần Hào vận động Tiền Ninh tấu lên Hoàng đế để đưa con trai cả của mình đến Bắc Kinh, âm mưu tranh vị Thái tử (vì Chính Đức không có con), song cuối cùng âm mưu này thất bại[3][9]. Trong suốt thời gian này, Ninh vương tự coi mình không khác gì Hoàng đế, quân đội Vương phủ là cấm quân và mệnh lệnh của ông ta là thánh chỉ. Ninh vương còn bắt các quan viên địa phương phải mặc triều phục khi đến yết kiến mình. Đến tháng 3 năm 1517, ông lại tự ý chế tạo Phật Lang cơ súng[8][10]